Khi nói về nền văn hóa Á Đông thì không thể không nói đến nghệ thuật thưởng trà. Trà đạo dường như trở thành một nét văn hóa mà ở mỗi quốc gia lại mang đến một bản sắc riêng biệt. Với sự mộc mạc, giản dị không cầu kỳ, trà đạo Việt Nam có những nét đặc trưng vô cùng khác biệt nhưng vẫn in đậm bản chất con người Việt Nam.
1. Nét Đẹp Văn Hóa Trà Đạo Việt Nam
Trà là thức uống vô cùng quen thuộc của người Việt. Chén trà thể hiện sự gắn kết giữa người với người. Để có thể tạo nên một chén trà chuẩn vị, người pha trà phải am hiểu trà đạo một cách tường tận.
Trà đạo bắt đầu xuất hiện và phát triển từ cuối thế kỷ 12. Tại Việt Nam, nghệ thuật trà đạo được thể hiện qua việc mọi người vừa thưởng trà vừa đàm đạo. Nét văn hóa trà đạo Việt Nam đã được lưu truyền qua ngàn đời, từ thời cha ông tổ tiên cho đến tận ngày nay. Trên bàn tiếp khách của người Việt không bao giờ thiếu đi chén trà đậm vị.
2. Nghệ Thuật Pha Trà Đạo Việt
Nhắc đến nghệ thuật pha trà đạo của Việt Nam, không thể không nhắc đến nguyên lý “Nhất thủy, Nhì trà, Tam pha, Tứ ấm” . Đây được coi là những yếu tố chính cần phải để tâm trong quá trình pha trà.
Nhất thủy – Nếu như trà là linh hồn thì nước pha trà lại là phần thể xác. Để có thể có một ấm trà ngon, nước pha trà cần phải là nước sạch đã lọc. Tuy nhiên, các cổ nhân xưa rất thích và thường pha trà bằng nước suối hoặc nước giếng trên núi.
Nhì trà – Một ấm trà ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào loại trà được dùng để pha. Trà ngon thường có búp đều, nguyên cánh, không quá vụn. Ngoài ra, trà ngon còn thể hiện thông qua màu sắc, mùi hương và vị của nước trà.
Tam pha – Nghệ thuật pha trà được thể hiện toàn bộ ở quá trình này. Để pha trà, cần sử dụng trà cụ. Thông thường, trà cụ sẽ gồm có: ấm trà, chén trà, khay đựng, gắp trà, … Để có thể pha được một ấm trà hảo hạng, cần tuân thủ theo đúng các bước pha trà đạo.
Tứ ấm – Các loại ấm khác nhau khi pha cùng một loại trà có thể cho ra nhiều hương vị khác nhau. Đó chính là điểm đặc biệt và là nguyên do vì sao có nhiều loại ấm trà như thế. Khi chọn ấm, người ta không chỉ quan tâm đến hình dáng, mà còn quan tâm đến chất liệu làm ra ấm và độ cứng của vỏ ấm.


3. Nghệ Thuật Thưởng Trà Đạo Việt
Để có thể thưởng thức chén trà một cách trọn vị, người thưởng trà cũng cần phải thưởng thức đúng cách. Ngoài việc thưởng thức hương vị, người thưởng trà còn cần cảm nhận từ không gian, thời gian cho đến những cảnh vật xung quanh.
Dâng trà
Khi dâng trà, chỉ cần sử dụng ba ngón tay, đó là ngón giữa, ngón trỏ và ngón cái. Ba ngón tay dâng trà tạo nên hình ảnh “Tam long giá ngọc”, lần lượt là ngón giữa đỡ chén, ngón cái và ngón trỏ lần lượt đỡ phần miệng. Người thưởng trà cũng cần thể hiện sự tôn kính đối với người thưởng cùng thông qua hành động cúi đầu và đón nhận chén trà bằng hai tay.
Thưởng trà
Người thưởng trà cần uống từ tốn từng ngụm nhỏ. Hương thơm của trà sẽ lan tỏa và đi sâu vào trong khứu giác của người thưởng trà. Việc nhấp từng ngụm nhỏ, vừa uống vừa nhâm nhi giúp cho người thưởng trà cảm nhận được trọn vẹn hương vị của trà.
Thời không thưởng trà
Thời không thưởng trà hay còn gọi là thời gian và không gian thưởng trà. Bên cạnh yếu tố về hương vị, không gian và thời gian cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đến cảm nhận của người thưởng trà.
Thời điểm thưởng trà nên là khi người thưởng trà đang có thời gian. Khi có thời gian thì người thưởng trà mới đủ tĩnh để có thể cảm nhận từng chút, từng chút hương vị của chén trà.
Không gian thưởng trà nên là những nơi yên tĩnh như phòng khách, sân vườn. Thông thường, trà được dùng khi nhà có khách. Một không gian yên tĩnh vô cùng thích hợp cho việc vừa thưởng trà vừa đàm đạo.
Hình thức thưởng trà
Trong nét văn hóa của người Việt, thưởng trà có thể theo nhiều hình thức khác nhau. Thông thường có 3 cách thưởng trà phổ biến, đó là: độc ẩm (thưởng trà một mình), đối ẩm (thưởng trà hai người) và quần ẩm (thưởng trà nhiều người).


4. Dụng Cụ Pha Trà Đạo Việt
Nếu như trà là phần linh hồn thì dụng cụ pha trà lại là phần thể xác. Để có thể pha được một ấm trà thơm ngon, trọn vị, người pha trà cần có đủ các dụng cụ pha trà.
Ấm trà và chén trà
Ấm trà là vật dụng đựng trà, nó ảnh hưởng lên toàn bộ hương vị của chén trà được pha. Các đặc điểm quan trọng của một ấm trà thường xoay quanh việc ấm trà có giữ được đủ nhiệt hay mùi hương của trà tốt hay không.
Có nhiều loại ấm trà khác nhau từ kiểu dáng cho đến chất liệu. Một số loại ấm phổ biến từ hai loại ấm tráng men và ấm đất nung như: ấm chén gốm Bát Tràng, ấm chén tử sa, ấm chén giả cổ, …
Thông thường, chén trà thường có chất liệu giống với ấm trà, chén trà chủ yếu có hai loại chính là chén tống (chén to) và chén quân ( chén nhỏ).
Và có một loại ấm trà đặc biệt thuần Việt, chuyên dùng cho trà đạo với dòng đất quý Tràng An kết tinh An Thổ Túc. Dòng ấm được chế tác công phu, tỉ mỉ với chất đất mượt mà, dễ dàng làm dao động những tín đồ trà đạo Việt.
Các trà cụ khác
Ngoài ấm trà và chén trà thì còn cần các trà cụ khác như: khay đựng trà, hũ đựng trà, bộ dụng cụ gắp trà, bộ lọc trà, …


5. 3 Loại Trà Phổ Biến Trong Giới Trà Đạo
Thông thường có ba loại trà được dùng phổ biến tại Việt Nam, đó là: trà tươi, trà khô và trà hương.
Trà tươi
Trà tươi hay còn gọi là trà xanh, đây là loại trà được hái từ những búp chè non, đem rửa rồi nấu trực tiếp trong ấm trà. Trà xanh có thể được ủ trong ấm tích để uống vào mùa đông, đây là cách uống trà rất phổ biến với người Việt.
Trà khô
Trà khô hay còn gọi là trà mạn, đây là loại trà thu được từ lá chè tươi sau quá trình được hong khô, vò và sao. Những búp chè tươi để làm ra trà khô được chọn lọc vô cùng cẩn thận, bởi để có thể tạo ra trà khô thơm ngon thì khâu thu hoạch búp chè rất quan trọng.
Trà hương
Trà hương là loại trà đã được ướp hoa hoặc các loại hương khác, điển hình là trà sen, trà lài, trà hoa sứ, trà bưởi, … Trà hương toát lên một vẻ tao nhã, lịch sự, giản dị và được ví như một thức uống mang âm hưởng bản sắc người Việt.
6. Những Lưu Ý Trong Trà Đạo Việt Nam
Để có thể pha và thưởng trà đúng chuẩn Trà đạo, cần chú ý những điểm sau:
- Nước quá sôi có thể gây ra hiện tượng trà bị nồng hoặc quá nở.
- Cần quan tâm đến khâu chọn trà. Mỗi loại trà sẽ có những thuộc tính khác nhau. Trà khô dễ bảo quản bởi sau khi trải qua quy trình chế biến, trà khó bị ảnh hưởng bởi quá trình oxi hóa. Trà được pha từ lá trà khô có mùi vị thơm, đậm hơn. Trà tươi thường đem lại hương vị chát nhẹ xen lẫn vị ngọt thanh.
- Ấm trà chất lượng giúp mùi thơm của trà được lưu giữ lâu và đem lại vị ngon hơn. Khi chọn ấm trà thì cần lưu ý nguyên liệu tạo lên ấm trà. Các loại nguyên liệu có thể là đất tử sa, đất hồng sa, …
- Cách pha trà là yếu tố quyết định tới 50% hương vị của trà. Cần pha trà theo đúng các bước từ khâu tráng ấm, tráng trà, hãm trà, …
- Không gian thưởng trà nên là không gian yên tĩnh, thoáng mát hoặc ấm cúng. Đối tượng thưởng trà thường là bạn bè, người thân, khách khứa … Trong buổi thưởng trà, mọi người nên giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa, chân thành.
Nhìn chung, trà đạo Việt Nam cũng có những quy tắc nhất định. Tuy nhiên những quy tắc này không quá cầu kỳ hay phức tạp mà luôn mang một nét mộc mạc, giản dị như đúng bản chất con người Việt. Có thể coi trà đạo Việt Nam là một nét đẹp văn hóa xuyên suốt bao đời và sẽ còn tiếp nối lâu dài trong tương lai!